Kỹ năng ghi chép thần thánh giúp bạn ghi nhớ mọi kiến thức nhanh chóng
Đừng hỏi vì sao bạn vẫn miệt mài ghi chép nhưng hiệu quả thì chưa nhiều, đó là vì bạn vẫn chưa nắm được những kỹ năng ghi chép thần thánh dưới đây!
Không chỉ lúc đến trường bạn mới cần ghi chép mà ngay cả khi bạn đã đi làm thì việc ghi chép vẫn đóng vai trò rất quan trọng. Mặc dù các thiết bị kĩ thuật số ngày nay đã phát triển và hiện đại đến mức bạn chỉ cần nhấn nút ghi âm, chụp một bức ảnh là đủ để lưu trữ lượng thông tin bạn nhận được, song ghi chép bằng tay vẫn chứng tỏ những ưu điểm không dễ gì thay thế.
Thông qua việc ghi chú lại những thông tin mà bạn nhận được, bạn sẽ có ấn tượng lâu hơn và do vậy cũng sẽ ghi nhớ lâu hơn. Ngoài ra, việc ghi chép còn buộc người viết phải chủ động suy nghĩ trong quá trình tiếp nhận thông tin. Hiệu quả là vậy nhưng liệu bạn đã biết cách ghi chép sao cho khoa học chưa? Nếu chưa, hãy ghi nhớ những câu "thần chú vạn năng" bên dưới để nâng cao kỹ năng ghi chép của mình nhé!
1. Đừng ghi chép nhiều, hãy chọn lọc
Bạn không thể nào ghi chép hết tất cả những gì mình nghe được vì lượng thông tin có thể quá lớn. Bên cạnh đó, trong số tất cả các thông tin mà bạn tiếp nhận, không phải cái nào cũng quan trọng mà sẽ có tính dẫn nhập nhiều hơn. Vì vậy, bạn cần ghi nhớ một quy tắc để nâng cao hiệu quả của việc ghi chép là đừng chép hết, hãy chép có chọn lọc.
Để làm được điều này, bạn cần tập trung lắng nghe các ý chính, sử dụng các kí hiệu đầu dòng, từ viết tắt... Nói chung, bạn hãy cố gắng tóm tắt các ý chính và quan trọng nhất, sau đó, ghi chép lại theo cách riêng của bạn. Để đảm bảo sự thống nhất và logic giữa các ý, bạn cần chú ý biết cách sử dụng các từ có tính liên kết, như liên từ chỉ quan hệ, đối lập, song song.
Không phải ai cũng biết cách ghi chú thông tin sao cho hiệu quả (Nguồn: Unbound)
2. Tập trung khi tiếp nhận thông tin
Trong quá trình nghe giảng, đôi khi sự xao lãng sẽ gây ảnh hưởng đến việc ghi chép. Hoặc nếu bạn đang trong cuộc họp, chỉ cần vài giây mất tập trung cũng có thể khiến bạn bỏ qua những ý quan trọng về tình hình của công ty.
Vì vậy, sự tập trung là rất cần thiết để đảm bảo tính hiệu quả của việc ghi chép và sự ghi nhớ thông tin. Nếu tập trung, bạn sẽ ghi chép được đầy đủ hơn và đồng thời cũng phân biệt được những ý nào cần ghi chép và những ý nào thì không.
3. Sắp xếp các ghi chép
Ngay cả khi bạn đã có cho mình bản ghi chép ưng ý nhất thì vẫn chưa đủ. Bạn vẫn cần phải sắp xếp những ghi chú này một cách có hệ thống, vì như vậy sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn trong việc tìm và ôn lại những kiến thức cũ.
Nếu bạn còn đang đi học thì không nên dùng duy nhất một quyển tập để ghi chép cho tất cả các môn học. Việc ghi chép lung tung như vậy không những không giúp bạn hệ thống được kiến thức mà còn dễ nhầm lẫn thông tin của môn học này với môn khác. Ưu điểm duy nhất của việc dồn tất cả những gì bạn được học vào một nơi là tiết kiệm được thời gian, nhưng bạn phải đánh đổi bằng một mớ kiến thức rối như tơ vò.
Trong công việc cũng vậy, hãy dùng những quyển sổ khác nhau hoặc tạo các thư mục riêng để lưu trữ nội dung các buổi họp, ghi chép những công việc bạn phải làm. Nếu những thông tin này được ghi tại cùng một nơi thì bạn cần có cách phân biệt, như sử dụng bút màu khác nhau, đánh dấu trang...
Ghi chép xong, đừng quên sắp xếp lại thông tin (Nguồn: Everypixel)
4. Sử dụng các cách ghi chép khoa học
Để nâng cao kỹ năng ghi chép của bạn, chúng tôi xin gợi ý 2 cách ghi chép khoa học đã được nhiều người áp dụng:
Ghi chú dạng Cornell
Đây là cách ghi chép được phát minh vào những năm 1950 bởi giáo sư Walter Pauk từ trường Đại học Cornell, một trong những trường thuộc hệ thống Ivy League của Mỹ.
Để ghi chép theo phương pháp Cornell, bạn cần chia tờ giấy (hoặc trang vở) ghi chép của mình thành 2 cột: cột bên trái ghi các ý chính (hoặc các câu hỏi, các từ khóa), cột bên phải để ghi chép những chi tiết liên quan đến ý chính tương ứng ở bên trái. Ở phần cuối của trang giấy, bạn dành từ 5 đến 7 dòng để ghi lại bản tóm tắt toàn bộ nội dung những gì mình đã lắng nghe.
Ghi chú theo phương pháp này sẽ giúp bạn dễ dàng tra cứu lại nội dung đã được tiếp thu. Nếu bạn cần rà soát lại các ý chính thì chỉ cần nhìn vào cột bên trái. Nếu cần tìm hiểu lại sâu hơn thì bạn chỉ cần đọc thêm cột bên phải. Ngoài ra, nếu bạn muốn giới thiệu đến một người khác (ví dụ: nói chuyện, đề xuất đọc một cuốn sách…) thì chỉ cần sử dụng đoạn tóm tắt ở phía cuối trang ghi chú.
Cấu trúc của một bản ghi chú dạng Cornell (Nguồn: Your Therapy Source)
Ghi chú dạng sơ đồ tư duy (mind map)
Đây có lẽ là cách ghi chú không còn quá xa lạ. Cách đơn giản nhất để tạo một sơ đồ tư duy là bắt đầu từ chính giữa trang giấy với tiêu đề lớn và cũng là quan trọng nhất. Từ đó, bạn vẽ các nhánh tỏa ra, từ các nhánh nhỏ này lại tiếp tục những nhánh khác nhỏ hơn.
Sơ đồ tuy duy cho phép bạn ghi chú được một lượng lớn thông tin chỉ trong một tờ giấy. Ngoài ra, bạn luôn thấy được ý chính được ghi nổi bật ở giữa trang. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ không hiệu quả lắm trong trường hợp bạn không biết trước được cấu trúc của bài giảng hoặc nội dung buổi họp. Tuy nhiên, mind map là cách hiệu quả để ôn lại kiến thức hoặc để brainstorming (tạm dịch: động não).
Mind map là hình thức ghi chép được nhiều người sử dụng (Nguồn: Iwokcenter)
Sau khi đọc xong bài viết này, hy vọng bạn đã có những bí kíp thần thánh để nâng cao kỹ năng ghi chép của bản thân và khiến việc ghi chép không còn là áp lực nữa.
Nguồn: edu2review.com