Muốn ăn nói và dẫn chương trình tốt, bạn cần biết ngay 4 kỹ năng MC cơ bản này
Trở thành MC có thể giúp bạn thỏa đam mê, làm việc tự do, vui vẻ, trở nên năng động, hoạt ngôn… Nếu bạn yêu thích nghề dẫn chương trình, bạn đã biết những kỹ năng MC cơ bản để rèn luyện chưa?
MC là viết tắt của từ Master of Ceremonies, trong đó Master nghĩa là bậc thầy, Ceremonies được hiểu là nghi thức, nghi lễ. Thông thường MC được hiểu là người dẫn chương trình, tự tin nói trước đám đông, dẫn dắt khán giả, người xem tương tác và hòa nhập với một sự kiện nào đó. MC có vai trò như một cầu nối với khán giả và là một bộ phận không thể thiếu làm nên sự thành công của chương trình. Bài viết sau đây gợi ý những kỹ năng MC cơ bản mà bạn cần biết để thành công trong nghề này, cùng tham khảo nhé!
Kỹ năng truyền đạt
“Nhất thanh nhì sắc”, một giọng nói hay có thể dễ dàng chạm đến trái tim người nghe và điều này càng quan trọng với nghề MC. Giọng nói cũng chính là chìa khóa giúp MC gây thiện cảm đối với người nghe, cần rõ ràng, điều khiển được âm lượng và tốc độ nói, ngữ điệu êm ái, đủ sức truyền cảm. Đồng thời, bạn có thể điều khiển giọng nói trầm buồn hay vui tươi theo từng chương trình cụ thể.
Văn hóa vùng miền ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến giọng nói của một MC, khi đó người xem có thể không hiểu rõ hết những thông tin mà bạn muốn truyền tải. Một MC thành công nên khắc phục bằng cách luyện nói tròn vành, rõ chữ, không nói giọng địa phương. Hãy tập cách lấy giọng, nhả chữ, luyện hơi… để khắc phục dần dần các thói quen như nói lắp, nói ngọng… Để phát âm rõ ràng, bạn có thể luyện đọc sách mỗi ngày, phát âm kỹ từng chữ. Bạn nên khống chế giọng nói với âm lượng vừa phải, không nói khẽ như người hụt hơi hoặc quá to như đang quát mắng.
Giọng nói hay, rõ là một trong những yêu cầu cơ bản của MC (Nguồn: marriedbyandy)
Ngoài ra, bạn không nên nói đều đều từ đầu đến cuối, phải nhấn nhá có trọng điểm, lúc nhanh lúc chậm hoặc ngưng hẳn để người nghe suy nghĩ. Nói quá nhanh có thể khiến người nghe không kịp suy nghĩ, phân tích để tiếp nhận một lượng thông tin quá lớn cùng lúc. Ngược lại, nói quá chậm hoặc tốc độ đều đều sẽ khiến người nghe nhàm chán, buồn ngủ.
Phật giáo cho rằng “sự truyền cảm” trong giọng nói được tạo nên từ lòng “từ bi vị tha”. Sự chân thành xuất phát từ người MC sẽ tạo nên âm sắc thú hút và tính truyền cảm, tạo nên một chương trình thành công.
Kỹ năng tự học
Ngoài việc trau dồi các kỹ năng MC cơ bản về chuyên môn, bạn phải trau dồi kiến thức ở nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa… để hỗ trợ cho công việc. MC cần phải truyền tải thông tin chính xác, nhiều kiến thức để phục vụ cho việc biên soạn lời dẫn, có khả năng khai thác đề tài khi dẫn chương trình. Vì vậy, MC cần có kỹ năng tự học để nghiên cứu, tìm kiếm và tổng hợp thông tin.
Hiểu biết rộng, ngôn ngữ phong phú sẽ giúp MC xử lý những tình huống bất ngờ không có trong kịch bản. Trong một chương trình, MC không thể chỉ nói câu “chính xác” hay “đúng rồi” nên bạn phải luôn tự học để có kiến thức phong phú đủ trình độ giao lưu với khách mời hay khán giả, tránh cảm giác nhàm chán, thu hút người xem. Bạn nên tránh việc rào trước đón sau bằng những lời sáo rỗng, dài dòng, không ăn nhập gì đến nội dung của chương trình.
Vốn hiểu biết phong phú có thể giúp MC xử lý được mọi tình huống bất ngờ (Nguồn: edasi)
Hãy tạo thói quen tự học mỗi ngày để trang bị cho mình vốn kiến thức phong phú. Bên cạnh đó, bạn có thể tìm hiểu thông tin liên quan đến chủ đề, nội dung của chương trình, nhân vật mình sẽ phỏng vấn cũng như đối tượng khán giả để chuẩn bị tốt nhất.
MC cần có sự hiểu biết, tư duy để phân tích thông tin đưa ra quan điểm đúng đắn. Nếu không nắm chắc kiến thức thì bạn dễ phát biểu sai, khiến người nghe hiểu sai vấn đề và chương trình khó thành công.
Xây dựng phong cách cá nhân chuyên nghiệp
Một MC chuyên nghiệp cần rèn luyện tác phong, dáng đi, đứng, ngồi để làm chủ sân khấu thích ứng với từng chương trình, sự kiện. Một cách luyện tập rất phổ biến là đứng trước gương vừa luyện nói vừa nhìn dáng đứng, ngôn ngữ cơ thể của mình, sau đó thử đi lại. Kỹ năng MC cơ bản này có thể giúp bạn nhận ra khiếm khuyết của mình là gì và tập trung thay đổi.
Trong mọi trường hợp bạn cần nhìn thẳng về phía trước, lưng thẳng, ngực cao và hóp bụng. Nếu thân hình bạn không được thon thả có thể che khéo bằng cách hơi xoay người qua hướng 10 giờ hoặc 2 giờ để trông mảnh mai hơn.
MC cần phải có phong thái trang trọng và thu hút với khán giả (Nguồn: istockphoto)
Đối với dáng ngồi, bạn vẫn giữ nguyên vị trí đầu, vai và lưng thẳng, ngực cao, hóp bụng. Bạn có thể ngồi theo dáng chân đặt song song và nghiêng về một bên hay vắt chân chéo với hai ống chân đặt song song. Dáng đi cũng là một yếu tố rất quan trọng đối với một người MC.
Bạn phải nhớ khi đi thân trên thẳng và chân bước theo một đường thẳng, tay đánh trước sau nhẹ nhàng. Một nguyên tắc nữa là khoảng cách giữa các bước phải thật phù hợp với cơ thể sao cho bạn cảm thấy thoải mái nhất. Đừng bước chân quá dài, trông bạn sẽ hấp tấp và mất tự nhiên. Phong thái chuyên nghiệp cũng sẽ giúp bạn tự tin hơn khi đứng trên sân khấu.
Kỹ năng tương tác
Một người MC cần có kỹ năng tương tác, phối hợp với bạn dẫn chương trình và giao lưu cùng khán giả. Tương tác tốt với người dẫn chương trình chung có thể giúp chương trình diễn ra thú vị hơn và tránh cảm giác nhàm chán cho khán giả. Hai người cùng dẫn chương trình chung có thể bổ sung thiếu sót cho nhau và để làm chủ sân khấu, bạn cần thảo luận và luyện tập kịch bản với người dẫn chương chung.
Nhiều người MC đã quá "tham lam" mà cướp luôn lời dẫn của người khác có thể gây hiệu ứng xấu cho chương trình. Vì vậy, 2 người nên phân chia kịch bản rõ ràng và biết khiêm tốn đúng lúc, không tham nói quá nhiều. MC cũng cần biết cách gây cười đúng lúc để xử lý những thiếu sót cũng như thời gian trống trong chương trình.
Tương tác với bạn dẫn, khán giả cũng là một trong những kỹ năng cần thiết của MC (Nguồn: televiznenoviny)
Giao lưu với khán giả cũng là một trong những kỹ năng MC cơ bản của người làm nghề MC. Để làm điều này tự nhiên bạn cần cho khán giả thấy sự gần gũi của bạn để họ cởi mở hơn. Bạn có thể đặt những câu hỏi gợi ý, câu hỏi mở thông minh để thu hút khán giả tương tác. Hãy tìm cách ngắt lời khán giả một cách khéo léo vì một số người quá phấn khích có thể gây ảnh hưởng đến chương trình.
Nghề MC đòi hỏi bạn phải hoàn thiện mọi mặt từ kỹ năng chuyên môn, kiến thức đến giọng nói, ngoại hình…, tuy nhiên sẽ không phải là điều quá khó khăn nếu bạn biết chuẩn bị hành trang vững chắc. Hy vọng những kỹ năng MC cơ bản ở trên sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình theo đuổi nghề nghiệp của mình.
Nguồn: edu2review.com